in

‘Đối xử với con của anh chị em không cần quá tốt’, lời khuyên tưởng rằng phũ mà lại thấm thía

“Chỉ là người thân thôi nên không cần đối xử quá tốt với con của anh chị em trong nhà”.

Hôm trước em có đọc đâu đó một câu “còn cha mẹ thì còn tình nghĩa anh em, cha mẹ đi rồi nhà ai nấy ở”. Tình cảm anh em trong gia đình là một điều rất thiêng liêng, nhưng lại rất ít được quan tâm. Vai trò của cha mẹ trong việc gắn kết tình anh em vô cùng quan trọng. Lúc còn cha mẹ, anh em vẫn thân thiết, lúc cha mẹ khuất núi, anh em tự dưng xa cách, thân ai nấy lo.

Thêm vào đó, càng cách thế hệ, tình cảm càng dễ phai nhạt ít nhiều dù vẫn gọi nhau là ruột thịt. Một người đàn ông 45 tuổi đã lên mạng than thở chuyện gia đình. Anh còn đưa ra lời khuyên “đừng đối xử quá tốt với con của anh chị em trong nhà”. Mình thì thương cháu như con đẻ, nhưng đổi lại, cháu chỉ xem mình là họ hàng, còn quay lưng khi không vừa ý.

Vô sinh nên nhận nuôi con anh chị như con ruột, cái kết buồn hơn chữ buồn

Gần nhà em có người dì không lấy chồng, không con cái. Dì nhận một đứa con của chị gái làm con đỡ đầu, nuôi ăn học, lo đến tận lúc cưới vợ. Theo lời dì là chị gái đông con, bảo thôi nuôi một đứa phụ chị đi, sau này có đứa nó lo đau ốm tuổi già.

Nhưng giờ dì ấy nhận ra, dù mình thương và lo cho nó cỡ nào, mẹ của nó vẫn là nhất. Mình mãi là dì, nó mãi là cháu, ruột thịt đến đâu, thương yêu đến đâu cũng chẳng bằng tình mẹ con nhà người ta. Đứa cháu dì nuôi, ở với dì từ nhỏ giờ đã dọn về nhà với mẹ, bỏ dì một mình, cứ nghĩ đến là dì lại tủi thân dữ lắm.

Ảnh mang tính minh họa: hkedcity

Tình cảm gia đình dù rất thiêng liêng, không gì sánh bằng ruột thịt, nhưng cũng sẽ có bên nặng, bên nhẹ. Cháu thì mãi là cháu, sao bằng con mình rứt ruột đẻ ra. Nhưng thà xa cách từ đầu thì thôi, cứ xem nhau là người thân đối đãi bình thường. Chỉ sợ gặp kiểu cháu vô ơn, cô chú xem cháu như con ruột, cháu lại xem như người họ hàng quen biết, được lợi thì thân thiết, không vừa ý thì bạc bẽo.

Mọi người có thể đối xử tốt với con cái của anh chị em mình, nhưng không cần phải quá tốt, hết lòng hết dạ. Những yêu thương và hy sinh không được trân trọng, cuối cùng sẽ trở nên rẻ mạt hoặc thậm chí vô giá trị trong mắt người khác.

Anh Quang, 45 tuổi, đã lên mạng trải lòng chuyện buồn gia đình. Anh miêu tả là vừa bị tổn thương tinh thần do những đứa con của anh em gây ra. Gia đình anh có 3 anh em trai, chỉ mỗi anh là không có con cái. Thời trẻ lo làm ăn khởi nghiệp, đến khi giàu có, mong sinh con thì bác sĩ bảo không được nữa.

Mẹ của anh bảo thôi thì không con còn có cháu, cứ nuôi các cháu ruột thật tốt đi, coi chúng như con thì về già chúng sẽ chăm sóc lại. Suy cho cùng nuôi cháu ruột thịt trong nhà còn hơn xin con nuôi người dưng nước lã. Nghe cũng có lý nên vợ chồng anh Quang đã tình nguyện nuôi 4 đứa con của hai anh ăn học đến nơi đến chốn.

Chưa bao giờ hai vợ chồng keo kiệt với các cháu, vì từ sâu trong lòng, họ đã xem các cháu như con ruột. Anh Quang nghĩ mình thương cháu như thế, nó cũng sẽ xem mình như người bố thứ hai. Nhưng cuối cùng vỡ mộng khi bọn trẻ lớn lên.

Lúc nhỏ các cháu rất bám chú Quang, còn hay nịnh ngọt khiến vợ chồng vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, ngay khi đỗ đại học, tất cả lại quay lưng, chỉ đến tìm chú thiếm Quang khi cần tiền mà thôi. Vì nghĩ cháu như con mình, lo lắng đưa tiền nhiều các cháu sinh hư nên vợ chồng hỏi rất kỹ xin tiền để làm gì.

Không ngờ, các cháu quay sang bảo vợ chồng chú keo kiệt, khó khăn, không thèm đến thăm nữa, cứ như người xa lạ. Hóa ra dù có tốt với cháu đến đâu, mãi mãi cũng sẽ không bằng cha mẹ của chúng.

Trong trường hợp này, những nỗ lực trước đây của anh có thể coi là một sự đầu tư thất bại. Vợ chồng anh Quang thương con của các anh trong nhà như con ruột, nhưng cuối cùng, chỉ bị xem như họ hàng, là “ví tiền” của các cháu.

Ảnh mang tính minh họa: fenzise

Tình cảm gia đình phải dạy kỹ cho con cháu, kẻo qua một đời là đứt đoạn

Từ khi còn nhỏ, ai cũng được dạy rằng phải hòa thuận với anh chị em của mình. Khi anh chị em có con, nên chăm sóc con cái của anh chị em như là con đẻ của mình. Đây cũng là sự mong đợi thiết tha của cha mẹ dành cho đời con cháu về sau. Nhưng tình cảm anh em chỉ thân thiết, gắn bó khi cha mẹ còn sống.

Một khi cha mẹ qua đời, vì lý do cuộc sống riêng, gia đình riêng, tình cảm anh em dần xa cách. Kết quả là đến đời con cháu lại càng xa cách hơn, chỉ ở mức họ hàng quen biết, không hề có sự gắn bó như xưa. Chỉ cần đến đời con cháu thứ 3, thứ 4 thôi, nhiều lúc không nhớ hết tên họ hàng nữa rồi. Đó là điều tất yếu trong cuộc sống quá bận rộn, chỉ biết chạy theo vật chất và khi mà nhà sống cạnh nhau còn không nói với nhau tiếng nào thì anh em lớn lên, mỗi người một ngã, ít liên lạc làm sao thân nhau như lúc nhỏ.

Để duy trì tình cảm gia đình truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, không thể tách rời giáo dục dành cho con trẻ. Chỉ khi cha mẹ làm gương, thân thiết với an hem mình thì con cháu đời sau mới giữ được mối liên kết họ hàng. Chứ cha mẹ còn không quan tâm anh chị em, bảo sao cháu xa rời cô chú, dòng họ.

*Bài viết có thể hiện góc nhìn cá nhân
https://www.webtretho.com/p/doi-xu-voi-con-cua-anh-chi-em-khong-can-qua-tot-loi-khuyen-tuong-rang-phu-ma-lai-tham-thia