in

‘Thần y’ bó tay khi người nhà bị tật, kịch hạ màn

“Thần y” Võ Hoàng Yên tuy chữa được bệnh nhiều người nhưng ở nhà có người thân bị tật bẩm sinh lại bó tay. Chia sẻ từ lãnh đạo địa phương nơi “‘thần y” sống trước đây càng khiến câu chuyện thêm “kịch tính” và kịch tới hồi phải hạ màn. 

Xôn xao trên mạng xã hội gần đây là câu chuyện “thần y” Võ Hoàng Yên bị vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) tố bịp bợm lên đến tiền tỷ cứu trợ và xây chùa. Kèm theo đó, chiêu thức chữa bệnh giúp người câm điếc, bại liệt của ông Yên cũng thành đề tài được bàn tán, bóc phốt không khoa học và chẳng đáng tin.

Trong một chia sẻ mới đây từ lãnh đạo thị trấn Cái Nước, Cà Mau – nơi sinh sống trước đây của “thần y” – ông Võ Hoàng Yên sau khi học xong phổ thông vào 10 năm trước đã lên một tỉnh vùng trên để học chữa bệnh và ít trở lại địa phương.

“Một thời gian sau, ông Yên về quê cưới vợ ở ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước. Thời điểm đó, ông Yên có tổ chức trị bệnh, nhưng chưa có giấy phép hoạt động. Sau đó, ông Yên bị phạt hành chính vì khám chữa bệnh không giấy phép. Không lâu sau, ông Yên bỏ đi, cũng không biết đi đâu. Bỗng vài năm sau, nghe nói ông Yên đang ở Bình Thuận và làm ăn ở đó”, một lãnh đạo thị trấn Cái Nước chia sẻ trên báo chí.

(Ảnh Internet)

Trước thông tin ông Yên có thể chữa được bệnh câm điếc, vị lãnh đạo này còn cho biết thêm: “Việc này tôi không rõ lắm, nhưng biết gia đình bên vợ ông Yên có đứa cháu bị tật bẩm sinh (nhưng không nhớ rõ bị bệnh gì) trị không hết”.

Phải chăng “Bụt nhà không thiêng” là đúng, chữa bệnh những người được quay trong clip là hết trong thần kỳ nhưng nhà có người bị tật lại bó tay? Chia sẻ của lãnh đạo địa phương tuy chưa kiểm chứng cụ thể nhưng cũng ít nhiều góp tiếng nói vào việc “hạ màn” vở kịch chữa bệnh của “thần y” đến mức giới y học thế giới phải sững sờ.

(Ảnh Internet)

Theo nội dung các clip trên mạng, ông Yên chữa bệnh cho người câm điếc bằng cách một tay vịn đầu bệnh nhân và một tay bấm huyệt nơi yết hầu rồi giật nhẹ. Sau đó yêu cầu người bệnh thè lưỡi và ông dùng khăn giấy nắm lấy cuống lưỡi xoay qua xoay lại rồi kéo ra.

Người bệnh tuy không thể nói chuyện nhưng qua bàn tay thần thánh của “lương y” là có thể cất tiếng đọc theo lời ông Yên: “mốt, hai. pa, pún…”. Chưa hài lòng lắm, ông Yên lại chỉnh tiếp bằng những động tác quen thuộc để bệnh nhân có thể phát âm tròn vành rõ chữ.

(Ảnh Internet)

Câm điếc, bại liệt đến mức bệnh viện bó tay nhưng tới ông Yên là bệnh nhân có thể hồi phục thần kỳ. Tuy nhiên, họ chỉ “hồi phục” qua các clip được đăng trên mạng chứ thực tế chẳng ai kiểm chứng được. Các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có học hành ròng rã mấy chục năm trời khi coi clip chữa bệnh của “thần y” chắc cũng bái phục!

Lý giải về việc cái tên “thần y” được biết đến rộng rãi một phần cũng nhờ các clip quay trên mạng. Đứng trước một điều quá thần kỳ và có nhiều người xung quanh kiểm chứng, vỗ tay tán thưởng rồi bệnh nhân cất tiếng nói lại được, thử hỏi mấy ai đủ tỉnh táo để nhận ra trò bịp? Trong khi nhiều người ở vùng sâu vùng xa, nghe đâu có thầy giỏi là cũng tin sái cổ với hy vọng “còn nước còn tát” hay “có bệnh thì vái tứ phương”. Cái danh “thần y” cứ vậy một đồn mười, mười đồn trăm và đến cả nhiều kiều bào còn nghe danh rồi tin theo.

Chỉ khốn khổ cho bệnh nhân, trong lúc đau ốm chỉ cầu mong ở đâu có thầy giỏi cũng tìm chút hy vọng. Trục lợi trên hy vọng, trên nỗi đau của người khác là tàn nhẫn và đáng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cả lương tâm.