in

Đang lo lắng về của hồi môn cho con gái, bà cụ choáng váng nhận được 55 tỷ chuyển vào tài khoản nên hoảng sợ đến ngân hàng kiểm tra, nghe câu trả lời từ nhân viên, bà bật khóc nức nở

Kiểm tra tên người chuyển tiền, bà lão rơi nước mắt nghẹn ngào: “Ồ, tôi biết anh ấy. Anh ấy là con trai tôi”….

Lã Thiên Mai – một người mẹ già đơn thân ở Dương Châu, Trung Quốc đang sống trong những ngày khổ sở bởi con gái bà sắp cưới nhưng lại không đủ tiền để chuẩn bị của hồi môn. Bỗng nhiên, bà thấy có tiếng chuông tin nhắn reo lên, nhìn vào màn hình, bà hoảng hốt khi thấy 15,3 triệu NDT (khoảng 55 tỷ đồng) được cộng vào tài khoản. Ngay sáng hôm sau, bà liền đến ngân hàng để hoàn trả lại.

“Có sai lầm sao? Làm sao tôi có thể có nhiều tiền như vậy? Nếu có sai sót, xin hãy giúp tôi trả lại cho người chuyển nhầm”, bà Lã Thiên Mai vội vàng nói với nhân viên ngân hàng.

“Chờ một chút, chúng tôi sẽ kiểm tra cho bà”. Nửa giờ sau, nhân viên thu ngân quay lại, cô nói với bà Mai: “Đã tìm ra rồi. Số tiền này là do một người tên Lưu Viễn Nghị chuyển, bà có biết người này không?”.

“Ồ, tôi biết anh ấy. Anh ấy là con trai tôi”….Nói xong, bà Mai nghẹn ngào trào nước mắt. Bà hiểu mọi nỗ lực của mình suốt bao năm qua đã không vô ích.

***

Đó là một buổi tối vào năm 2015, bà Lã Thiên Mai đang ngồi trên sofa xem TV. Bà lấy điện thoại gọi cho con trai nuôi Lưu Viễn Nghị đang sống và làm việc ở châu Âu.

Viễn Nghị thông báo đang bận dự án nên không về dự đám cưới em gái được, số tiền 55 tỷ này là quà cưới cho em và cho mẹ trả nợ, dưỡng già. “Không có mẹ và em đã không có con như bây giờ. Khoản tiền này không bao giờ có thể trả ơn được những gì mẹ làm cho con”, cậu nói.

Sau cuộc điện thoại, ký ức của bà Mai về ngày đầu gặp cậu con trai nuôi bỗng ùa về.

Tấm ảnh hiếm hoi bà Mai chụp cùng con trai nuôi

Hồi còn trẻ, cuộc sống của bà Mai đầy thăng trầm, vất vả. Bà từng có gia đình hạnh phúc, đầm ấm cùng chồng và con gái, kinh tế khá giả nhờ công ty đá quý do bà thành lập. Nhưng trong thời gian bà bận bịu chăm sóc con nhỏ, người chồng nảy sinh quan hệ ngoài luồng với một đối tác của công ty. Cô chỉ biết bị phản bội khi chồng viết đơn ly hôn.

Không lâu sau, công ty phá sản, người chồng không chịu nổi cú sốc bị nhân tình lừa dối nên tự tử. Đau đớn nhưng Mai phải gượng dậy lo liệu bán nhà và xe để trả nợ, dù vậy số nợ vẫn còn đến 2 triệu tệ. Bà thuê một căn hộ cũ, sống cùng con gái, làm nghề kế toán và may thêm quần áo bán, dành dụm từng đồng trả nợ. Cuộc sống áp lực, nhiều lúc người phụ nữ muốn tìm cái chết nhưng không đành lòng để lại con.

Vào một đêm tháng 9/2000, bà Thiên Mai tan làm trở về thì trời bỗng đổ mưa to nên vội tấp vào một gara trú tạm. Bà nhìn thấy một cậu bé gầy gò ngồi trên đường, bên cạnh có một chiếc chăn bông cũ nát, xung quanh có một chiếc bàn học, sách và cặp.

Thấy người lạ, cậu bé lén nhìn, rồi co người lại sợ hãi. Tiếng bụng sôi vì đói phát ra trong không gian tĩnh mịch. Bà Mai vội vàng lấy ra túi bánh bao còn nóng đưa cho cậu bé, nhưng em chỉ liếc nhìn. Bà vẫn giữ nguyên tư thế giơ bánh để em có thời gian phản ứng. Cậu bé từ từ ngẩng đầu và tiến đến gần bà nhận túi đồ ăn.

Khi đã ấm bụng, em cho biết mình tên Lưu Viễn Nghị, 14 tuổi, người ở tỉnh Chiết Giang. Cha mẹ mất vì tai nạn giao thông vài năm trước nên Nghị phải nương nhờ người chú. Chú rất thương nhưng không bảo vệ được em trước sự thù ghét ra mặt của vợ mình nên khi lên cấp hai Nghị được chú đưa ra gara này ở. Hàng ngày cậu bé đi học, nhặt đồng nát và làm các công việc chân tay tự kiếm sống. Nếu không có tiền thì Nghị chỉ biết lục thùng rác để kiếm đồ ăn.

Lắng nghe câu chuyện của cậu bé, Thiên Mai nhận ra cuộc đời vô thường đến mức nào. Đợi đến khi mưa tạnh, bà Mai để lại thêm một chiếc bánh cho cậu rồi quay về nhà. Ngày hôm sau, bà lại mang thức ăn nóng hổi cho cậu bé. Ban đầu Viễn Nghị không chịu nhận, nhưng bà cứ đặt đó rồi rời đi. Bà cũng để dồn các chai lọ, giấy báo lại, thi thoảng mang đến cho Nghị bán đồng nát.

Trong dịp Tết Nguyên đán năm đó, bà Mai ngỏ lời mời Nghị về nhà ăn Tết nhưng cậu bé từ chối để về nhà chú thím. Tuy nhiên, trước sức ép của vợ, người chú không dám để cậu ở lại ăn Tết, chỉ lén đưa cho cháu một chút tiền tiêu vặt.

Buổi tối cuối năm, nhà nhà sáng đèn, Viễn Nghị một mình lang thang trên đường, trong lòng khát khao hơi ấm đã đưa đôi chân cậu tới trước nhà bà Thiên Mai lúc nào không hay. Bà Mai và con gái Chu Tịnh vui vẻ chạy ra chào đón. Nhà ba người vừa làm bánh bao vừa xem ca nhạc tạp kỹ mừng xuân. Viễn Nghị cảm nhận được hương vị gia đình từ lâu thiếu vắng, những giọt nước mắt trào ra nơi khóe mắt.

Thế là từ ngày đó, bà Mai hạ quyết tâm nhận nuôi Nghị làm con. Bà nghĩ, nuôi một đứa hay hai đứa cũng vậy cả, bà không đành lòng để Nghị lang thang ngoài đường nữa.

Sống chung rồi bà Mai mới nhận ra con trai rất thông minh và có thành tích học tập tốt. Cậu bé cũng biết những khó khăn của mẹ nuôi nên luôn giúp đỡ gia đình khi rảnh rỗi.

Cứ như vậy, thời gian trôi qua từng ngày, hai đứa trẻ đều lớn lên. Sau khi tốt nghiệp trung học, cậu có cơ hội được đi du học. Nhưng cậu biết hoàn cảnh gia đình nên quyết định từ bỏ cơ hội này, cậu chỉ mong sớm được đi làm để giúp mẹ và hỗ trợ em gái vào đại học.

Nếu không nhờ nhà trường gọi điện bà Mai tới gặp mặt để thuyết phục thì bà chẳng biết gì về bí mật này. Đó là lần đầu tiên bà Mai nổi giận với con. Bà khuyên Nghị hãy dốc hết sức mình để học tập, còn chuyện tiền bạc không cần lo lắng. Vậy là, Nghị chấp nhận sang học tại Đại học Cambridge ở Anh.

Dù đã có một phần học bổng nhưng để con có chi phí sinh hoạt ban đầu, bà Mai phải bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà, bao gồm cả trang sức cưới của mình, thu về 55.000 tệ (hơn 192 triệu đồng). Cầm số tiền, người con ngồi phịch xuống, quỳ trước mặt Lã Thiên Mai: “Mẹ ơi, lòng tốt của mẹ con trai không bao giờ quên”.

Chưa hết, để hỗ trợ cho con chi phí sinh hoạt ở châu Âu đắt đỏ, bà Mai làm việc chăm chỉ hơn nữa, nhiều lần gục xuống bàn máy may vì cơn buồn ngủ. Không muốn làm con lo lắng, bà chưa bao giờ nói ra những điều này.

Người xung quanh thường xuyên nhắc nhở, cho rằng bà nhận nuôi một đứa trẻ không họ hàng, nuôi ăn học nhỡ không có tương lai và không quay trở lại thì sao? Nhưng bà Mai chưa bao giờ bận tâm chuyện đó. “Viễn Nghị là đứa trẻ ngoan và giỏi. Không có tôi cũng có sẽ có người khác giúp đỡ con”, bà đáp.

Năm 2010, Viễn Nghị tốt nghiệp, lập tức được nhận vào làm việc tại một công ty trong Fortune 500 (top 500 công ty lớn nhất thế giới). Vài năm sau đó anh cùng vài người bạn mở công ty.

Khi biết tin em gái ở Trung Quốc sắp kết hôn, anh vui mừng đề nghị mua nhà và cho em của hồi môn, nhưng bị mẹ từ chối. Trước ngày cưới của em, Nghị chuyển cho mẹ số tiền 1,6 triệu bảng Anh (15,3 triệu NDT).

Anh nói với mẹ rằng công ty của mình đã lên sàn chứng khoán, cậu không còn là đứa trẻ nghèo mà đã thành triệu phú. Thấy con có đang có tương lai đầy hứa hẹn, bà Mai cũng không từ chối số tiền nữa. Bà dùng một phần trả nợ, một phần làm của hồi môn cho con gái, số còn lại lập ra một quỹ để giúp đỡ nhiều hơn những đứa trẻ nghèo khó, mồ côi. Khi biết việc làm của mẹ, Nghị hoàn toàn ủng hộ và nói rằng tự nay cậu sẽ chịu trách nhiệm về bất kỳ vấn đề nào với quỹ từ thiện trong tương lai.

Các năm qua, người con nuôi này vẫn thường đón mẹ sang châu Âu chơi và khi có thời gian, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, anh luôn cố gắng về với mẹ.

Nguồn : https://cafebiz.vn/dang-lo-lang-ve-cua-hoi-mon-cho-con-gai-ba-cu-choang-vang-nhan-duoc-55-ty-chuyen-vao-tai-khoan-nen-hoang-so-den-ngan-hang-kiem-tra-nghe-cau-tra-loi-tu-nhan-vien-ba-bat-khoc-nuc-no-17624080911443457.chn