in

Nhờ nguyên tắc “sống vì nhau”, vợ chồng vỡ nợ không cãi 1 câu: Thế chấp nhà rồi đổi đời thu gần nửa tỷ

Từng trắng tay vì vỡ nợ, vợ chồng động viên nhau rồi cố gắng lật ngược tình thế để có cuộc sống đủ đầy như hiện nay. 

Đó là câu chuyện thú vị của cô Kim Hương (60 tuổi) và chú Văn Minh (63 tuổi) mà mình xem được từ chương trình Tình Trăm Năm. Đôi vợ chồng đã có 40 năm yêu nhau, 35 năm là vợ chồng. Cô chú quen biết nhau từ hồi sinh viên ở Đại học Tây Nguyên. Mùa hè năm 1984, chú Minh lần đầu đến nhà cô Hương để ra mắt gia đình và thưa chuyện với phụ huynh.

“Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên nổi ánh mắt cô ấy nhìn mình say đắm, lúc tôi xin ba vợ cho hai đứa qua lại. 3 năm sau khi hẹn hò, tôi mới dám hôn lén lên má Hương một cái. Hồi đó Hương học năm cuối, đang làm đồ án tốt nghiệp, ở nhà để xử lý dữ liệu. Tôi thì đi làm rồi, xin nghỉ phép đến hỗ trợ người yêu.

Ngồi cạnh nhau, hương vị của tình yêu phảng phất, đến giờ 63 tuổi đời vẫn cảm nhận được mùi hương tình yêu ấy, choàng tay qua ôm và hôn trộm lên má. Lý tưởng trong phim ảnh người ta vẽ ra những nụ hôn môi đắm đuối ở đâu tôi không biết, nhưng với tôi, nụ hôn đặt vội lên má người yêu đó mới thơm tho, ngây ngất làm sao!”, người đàn ông 63 tuổi kể lại.

hình ảnh

(Ảnh: chương trình Tình Trăm Năm)

Năm 1988, cô chú tổ chức đám cưới và cùng nhau xây dựng tổ ấm. Năm 1989, khi cô Hương đang mang thai con đầu lòng, biến cố đã ập đến gia đình nhỏ này. Khi đó, hai vợ chồng tích cóp được 5-6 chỉ vàng và chút ít tiền, dự định mua xe máy cho chú đi làm. Nào ngờ, vì trót tin người, đôi vợ chồng bị vỡ nợ, phải gom vàng, mượn bạn bè để trả.

Thời điểm đó, hai vợ chồng rơi vào cảnh khốn đốn. Tuy nhiên, điều đặc biệt là họ không một lần cãi nhau vì họ có nguyên tắc “sống vì nhau”. Hai vợ chồng âm thầm vượt qua giai đoạn khó khăn bằng cố gắng làm việc, tìm cách xoay xở chính đáng ngoài đồng lương tháng.

Nhờ ông ngoại cho cái máy may, cô Hương nhận may quần áo bán thêm ngoài giờ làm. Còn chú Minh tranh thủ ra chợ bán rau, nuôi heo. Nhớ lại thời gian khổ, chú Minh kể hai vợ chồng từng khấp khởi hy vọng khi heo nái gần đẻ nhưng nào ngờ heo bị bệnh.

“Trời ơi lúc đó nó đau, bả đứng bả khóc quá chừng. Rồi lại quay trở lại trắng tay, nhưng hai vợ chồng vẫn kiên trì nuôi tiếp. May có ông ngoại làm kinh tế giỏi, có máy xát gạo thuê trong nhà, cung cấp gạo cho nữa”, chú Minh kể.

Năm 1994, cô Hương đi học nghiên cứu sinh ở Hà Nội. Lúc này, chú Minh ký được hợp đồng làm ăn với người bạn, ươm trồng 50.000 cây cà phê và 20.000 cây bời lời. Chú thế chấp căn nhà được 20 triệu để bắt đầu kinh doanh. Gửi 10 triệu vào ngân hàng, chú đem 10 triệu còn lại đi đầu tư.

hình ảnh

(Ảnh: chương trình Tình Trăm Năm)

Vợ chồng chú Minh vốn là kỹ sư lâm nghiệp nên có kiến thức, kỹ năng chăm sóc vườn ươm. Thời điểm đó, hai vợ chồng đi làm về là lật đật xuống vườn để chăm cây đến tận nửa đêm.

Trời không phụ lòng người cố gắng. Năm 1995, vợ chồng cô chú có được khoản tiền gần 400 triệu đồng – con số khá lớn vào thời ấy. Nhờ vậy, họ mua được chiếc xe máy rồi lo cho các em được học hành, có công việc ổn định.

Sau gần 30 năm sống ở Pleiku, năm 2018, vợ chồng chú Minh chuyển ra Nha Trang ở vì cô Hương thích biển. Tuổi trẻ đầy khó khăn, thử thách nhưng họ đã vượt qua, gặt hái thành công nên giờ có thể sống thoải mái, tận hưởng tháng ngày nghỉ hưu bên nhau.

Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn. Đôi vợ chồng từng nắm tay đi qua những ngày tháng đầy gian khó và nhờ đó họ càng thêm trân trọng, yêu thương nhau. Một điều khiến mình rất ngưỡng mộ cô chú này đó là nguyên tắc “sống vì nhau”, cùng cố gắng để thoát khó khăn thay vì gây gổ, đổ lỗi cho nhau.

Nguồn : https://www.webtretho.com/f/ngam-chuyen-doi/nho-nguyen-tac-song-vi-nhau-vo-chong-vo-no-khong-cai-1-cau-the-chap-nha-roi-doi-doi-thu-gan-nua-ty