in

Đề Toán lớp 1 hỏi “Số tròn chục lớn nhất là số nào”, con khoanh tròn 90, cô giáo thẳng tay chấm sai

Cứ ngỡ kiến thức Toán lâu nay của bố mẹ đã chuẩn, giờ thì qua bài chấm của cô giáo, đến phụ huynh cũng hoang mang: “Không ấy phải đi học lại”.

Mới đây, một bài đăng kèm hình ảnh của tác giả Nam Hải về bài Toán lớp 1 khiến dân cư mạng một phen tranh cãi.

Toán là bộ môn đòi hỏi tư duy, khiến học sinh phải bao phen căng não mới có thể giải quyết được, nhất là với những bài hóc búa. Gặp những bài có cài cắm toán mẹo, toán đố thì cách phân tích, lập luận càng không thể rập khuôn. Cách làm có thể hơn một nhưng đáp án bao giờ cũng chỉ có một. Đó là tính chính xác tuyệt đối của môn học này. Vậy nên, khi kết quả giữa người này và người kia có sự khác nhau, đồng thời ai cũng khẳng định mình đúng thì đó là lúc nổ ra tranh cãi để tìm cho ra kết quả chính xác sau cùng.

Khi kèm dạy con tại nhà, nhiều vị phụ huynh không ít lần nhận phải trái khoáy khi những gì các con học ngày nay đã ít nhiều khác biệt với cha mẹ ngày trước. Chẳng hạn, khi cô giáo ra đề về đếm 1000 hạt đậu rồi đem nộp, nhiều cha mẹ không thể kiềm được cơn giận vì cho rằng cô đang làm khó học sinh. Nhưng thực chất đây là một bài tập rèn tư duy của trẻ. Thay vì ngồi đếm cho đủ 1000 hạt đậu, học sinh chỉ cần đếm đủ một lượng nhỏ nhất định, sau đó đem cân số còn lại rồi nhân số lần lên là đủ.

Mới đây, một người dùng mạng xã hội, được cho là một ông bố trẻ (sống ở Hà Nội) đã đăng bài viết tỏ ý thắc mắc về một bài Toán lớp 1 của con mình bị cô giáo chấm sai. Vị phụ huynh này còn không quên đăng cả ảnh chụp bài làm của con lên để “nói có sách, mách có chứng”.

Theo thông tin từ ảnh chụp, đây là bài kiểm tra cuối Học kỳ II, năm học 2022-2023 trong chương trình lớp 1. Câu đáp án bị chấm sai có đề như sau: “Số tròn chục lớn nhất là số nào?”

Đây là một câu hỏi trong phần trắc nghiệm, có 4 đáp án: A.1; B.10; C.100 và D.90 để học sinh lựa chọn đáp án đúng bằng cách khoanh tròn.

Được biết, con của người đăng bài chọn đáp án “D.90” nhưng sau đó đã bị cô giáo chấm sai và khoanh tròn lại vào đáp án “C.100”.

Vị phụ huynh này thấy vậy mới thắc mắc và hỏi lại cô giáo: Con nhà em chọn 90 và em cũng đồng tình với đáp án đó. Em có gọi hỏi cô giáo thì cô giáo nói là 100 mới đúng, vì 100 là 10 chục. Bản thân em từ xưa đến giờ chưa bao giờ nghe đến khái niệm “10 chục là 100”.

Anh không biết cô giáo đúng hay sai trong trường hợp này, bởi theo anh chia sẻ thì bản thân chưa bao giờ nghe đến khái niệm đó. Tin rằng có nhiều người sẽ cùng chung thắc mắc tương tự, anh đăng đàn lên mạng xã hội với mong muốn nhận được lời giải đáp từ cư dân mạng. Anh viết: “Em cũng tin nhiều người trên nhóm này có cùng suy nghĩ giống em. Cô giáo lý giải nghe không đúng. Mình lớn rồi mà chưa bao giờ nghe đến khái niệm đó luôn, nói gì bọn trẻ mới học lớp 1. Em không biết cô giáo đúng hay sai. Có ai giải đáp giúp em với. Em soi điểm con nhà em được 8,75 điểm, mà cô giáo trừ thẳng xuống còn 8 điểm tròn, thấy cũng khó hiểu.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, dường như nó đã gãi đúng chỗ ngứa của không ít người ở những góc độ nhìn nhận sự việc khác nhau và gây xôn xao.

Đúng như vị phụ huynh này dự đoán, có khá nhiều người đồng tình khi cho rằng số tròn chục lớn nhất là 90 và khái niệm “10 chục là 100” quá xa lạ với những kiến thức họ từng được học.

– 100 là số hàng trăm, không phải số hàng chục.

– Thực ra thì từ thuở cha sinh mẹ đẻ cho đến nay cộng thêm mấy năm làm nghề kế toán đây là lần đầu nghe 100 là tròn chục. Có khi phải bỏ nghề về học lại thôi!

Tuy vậy, không phải ai cũng thuận chiều với số người đồng tình này. Họ cho rằng cô giáo đã lý giải đúng và việc ai đó chưa từng biết đến khái niệm “10 chục là 100” không có nghĩa khái niệm này không tồn tại. Thực tế, ở cấp tiểu học, khái niệm này có đề cập trong sách giáo khoa, được giáo viên giảng dạy trên lớp và đó là kiến thức cơ bản mà mọi học sinh đều cần phải nắm, làm tiền đề cho những kiến thức Toán học ở các lớp lớn hơn.

Nhiều người nắm rõ về việc này, nên dường như số đông áp đảo đều đồng tình với cách lý giải của cô giáo.

– Từ đề bài có thể suy ra số tròn chục lớn nhất là 100. Nếu để 90 là số tròn chục lớn nhất thì đề bài cần có thêm điều kiện là số tròn chục có 2 chữ số

– Số tròn chục là số chia hết cho 10. Số tròn trăm là số chia hết cho 100…. Như vậy số tròn trăm chắc chắn đồng thời cũng là số tròn chục, điều ngược lại (số tròn chục là số tròn trăm) chưa chắc đúng.

– Nếu đề là tròn chục có 2 số thì 90 là đúng, đây người ta không nói thì 100 là đúng. Lớp 1 cũng chỉ học trong phạm vi 100 thôi. Đề này cũng hơi chữ nghĩa bắt các con đọc thật kĩ.

– 100 đúng đó bạn. Vì các con có học 1 chục đến 10 chục. Bữa mình cũng bị sai tương tự như vậy. Mình nói con làm sai, phải 90 mới đúng nhưng con cứ khăng khăng chỉ số 100. Mình gọi điện thoại hỏi lại cô và được giải thích là 10 chục. Nên 100 là tròn chục hay tròn trăm vẫn đúng.

– Các con lớp 1 mới đang học đếm nên đừng lấy tư duy của người lớn mà dạy. 100 là mười chục, 110 là 11 chục… Số cuối cùng là 0 là số tròn chục. Có số tròn chục 2 chữ số, 3 chữ số, 4 chữ số …

Chỉ mới có mấy con số hàng chục, hàng trăm của bài Toán lớp 1 thôi mà đã xôn xao quá phải không. Các cha mẹ nghĩ gì về thắc mắc của vị phụ huynh này? Hãy cùng cho ý kiến nhé!

Nguồn : https://www.webtretho.com/p/de-toan-lop-1-hoi-so-tron-chuc-lon-nhat-la-so-nao-con-khoanh-tron-90-co-giao-thang-tay-cham-sai