Khi bị bạn đánh, thay vì mách bố mẹ thì một cậu bé đã có cách hành xử rất tinh tế mà không mất lòng ai.
Câu chuyện về cách ứng xử tinh tế của cậu bé lớp 7
Chuyện học sinh đi học bị bạn đánh là điều không phải xa lạ. Có những học sinh mách với thầy cô, bố mẹ để lấy lại công bằng cho mình. Có những học sinh lại im lặng chịu trận. Nhưng có những học sinh lại nghĩ ra cách hành xử văn minh, tinh tế để “bớt thù, thêm bạn”. Điển hình như câu chuyện của một cậu bạn dưới đây được chia sẻ khiến nhiều người lớn phải cảm phục
Cụ thể, một người đã chia sẻ câu chuyện này như sau:
“- Cháu chào chú. Chú có phải bố của bạn Đức Dương không ạ?
– Đúng rồi. Cháu là ai?
– Cháu là bạn của Đức Dương ạ. Hôm nay cháu muốn nói với chú, bạn Dương uýnh cháu. Vào buổi chiều. Lúc ra chơi thì bạn chỉ trêu trêu thôi ạ.
– Vào lúc nào, uýnh vào đâu cháu? Có đau lắm không để chú bảo lại bạn Dương?
– Bạn ấy lấy con gấu bông định chọc vào mặt kiểu trêu thôi ạ, nên cháu không nghĩ nhiều. Nhưng bạn ấy chọc vào mặt cháu liên tục. Lúc đó cháu mới lấy tay bỏ con gấu ra. Tại cháu thấy hơi quá…
– Rồi sao nữa cháu?
– Thế là bạn ấy tức vì chắc bạn tưởng cháu muốn gây sự, nên bạn ấy lấy con gấu bông ấy vào đầu cháu. Lúc đấy cháu nghĩ không ai là không tức khi bị ai đó trêu quá mức, cháu mới đẩy bạn ra để bạn không làm thế nữa. Bạn ấy giật tóc và uýnh cháu… Xong rồi bạn ấy nói “đừng tưởng mình to xác nhé”.
Cháu đành phải nói với chú vì cháu không muốn nói với bố mẹ cháu, sợ bố mẹ cháu nóng tính, cháu không muốn lớn chuyện. Nhưng chú đừng lo quá vì giờ cháu chỉ bị đau một chút khi sờ vào đầu thôi. Bạn Dương đã gây sự trước và lỗi của bạn là hơi dễ nóng. Còn cháu thì có lỗi khi không báo cho bố mẹ hay ai mà lại gây phiền cho chú ạ. Cháu cảm ơn chú đã lắng nghe.
– Để chú hỏi lại bạn Dương đầu đuôi câu chuyện. Nếu Dương có lỗi chú sẽ bắt bạn Dương xin lỗi cháu. Có gì mong cháu bỏ qua cho bạn ấy.
– Vâng ạ. Cháu sẵn lòng bỏ qua cho bạn ấy ạ. Cháu chào chú”.
Đây là đoạn tin nhắn giữa Nguyên Khôi, cậu bé chủ động viết những tin nhắn gửi bố của bạn Đức Dương, sau khi sự việc xảy ra ở trường, là Nguyên Khôi bị Đức Dương trêu đùa và uýnh.
Những tin nhắn này mẹ của Đức Dương, chị Thuỳ Hương chụp màn hình gửi cho tôi, và cho phép tôi sử dụng bởi chị thấy rằng đây là một câu chuyện rất đẹp về ứng xử của con trẻ mà chính người lớn của chúng ta cũng nên học hỏi.
Sau khi nhận tin nhắn, vợ chồng chị Hương đã nói chuyện với con trai mình. Họ bình tĩnh hỏi sự tình, và giải thích cho con rằng bạn Nguyên Khôi là một người bạn rất tuyệt.
Ngày hôm sau, Đức Dương đến trường chủ động gặp Nguyên Khôi: “Hôm qua cậu đã nhắn tin cho bố tớ phải không? Tớ xin lỗi vì đùa quá trớn và nóng tính”. Nguyên Khôi đã bỏ qua một cách nhẹ nhàng như cậu bé xác định từ đầu. Sau đó, Đức Dương rủ Nguyên Khôi và một vài bạn đi ăn kem chuộc lỗi.
Đôi bạn nhỏ hiện nay đang học lớp 7, trường THCS Nam Trung Yên, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khi xem tin nhắn từ điện thoại chồng mình mà cậu bé Khôi Nguyên gửi, chị Hương rất ngạc nhiên.
“Em thấy chuyện này nhỏ thôi nhưng nói lên ứng xử tinh tế của một cậu bé vừa bước vào lớp 7. Đã thế còn tìm ra được số điện thoại phụ huynh và vấn đề quan trọng là cư xử chuẩn mực hơn cả người lớn. Nếu đặt vào vị trí em có con bị uýnh, chắc em khó có thể bình tĩnh và cư xử chuẩn mực như cậu bé”, chị Hương nói.
Chị Thuỳ Hương muốn tôi viết lại câu chuyện nhỏ này để đăng tải như một câu chuyện đẹp, một bài học về vấn đề lắng nghe, tôn trọng con trẻ và đặc biệt là khuyến khích con có những tình huống ứng xử tuyệt vời như vậy trong hành trình phát triển bản thân.
Dưới bình luận, nhiều người viết: “Quan trọng bố mẹ hai bên đều hiểu chuyện và văn minh nữa”, “Con cái là bản sao của cha mẹ, hẳn là Nguyên Khôi có một gia đình hạnh phúc”, “Chàng trai lớp 7 có trí thông minh EQ tuyệt vời”…
Những kỹ năng ứng xử cho trẻ cha mẹ nên dạy bé từ khi còn nhỏ
Biết cám ơn và xin lỗi
Biết cảm ơn, xin lỗi trong giao tiếp là bài học cơ bản về kỹ năng ứng xử cho trẻ. Cha mẹ cần nhắc nhở, dạy cho con thói quen nói lời cảm ơn khi nhận được quà và sự giúp đỡ từ người khác. Trẻ cũng cần được hiểu rõ lời cảm ơn thể hiện sự lịch sự, yêu quý và trân trọng đối với người đã giúp đỡ, tặng quà.
Tương tự, lời xin lỗi cũng có giá trị quan trọng không kém để thể hiện sự chân thành khi bản thân mắc lỗi, gây ảnh hưởng đến người khác. Thói quen và việc hiểu rõ được giá trị của lời cảm ơn, xin lỗi sẽ góp phần giúp trẻ trở thành người có nhân cách tốt, văn minh.
Biết chào hỏi, hỏi thăm, quan tâm đến mọi người
Cha mẹ cần dạy con biết cách chào hỏi lễ phép, thể hiện thái độ niềm nở khi gặp người khác, nhất là người lớn tuổi. Trẻ cũng cần được biết thói quen chào hỏi thể hiện thái độ lịch sự cần có trong những buổi gặp gỡ, chuyện trò. Đồng thời, cha mẹ cũng nên dạy bé cách hỏi thăm, quan tâm chân thành đến mọi người. Điều này không chỉ đơn thuần là dạy kỹ năng ứng xử cho trẻ mà còn giúp con phát triển chỉ số cảm xúc (EQ) tốt hơn.
Biết dùng câu hoàn chỉnh khi trả lời
Khả năng ngôn ngữ còn hạn chế nên trẻ rất dễ nói chuyện trống không. Vì vậy bố mẹ cần uốn nắn con từ nhỏ, dạy con biết cách trả lời một câu hoàn chỉnh có chủ, vị để thể hiện phép lịch sự và tôn trọng. Quan trọng hơn hết, bố mẹ cũng phải là người thực hành để con làm quen và noi theo.
Biết dạ thưa và lịch sự khi giao tiếp với người lớn tuổi
Biết sử dụng kính ngữ dạ thưa với người lớn là kỹ năng ứng xử cho trẻ nên được dạy từ khi còn nhỏ. Trẻ cần biết đó là cách xưng hô đúng mực giúp thể hiện con là một đứa trẻ ngoan, lễ phép. Tuy nhiên, bố mẹ cần hết sức kiên nhẫn và luôn nhắc nhở con phải biết tôn trọng, nói chuyện lịch sự dạ thưa với người lớn từ ông bà, bố mẹ, thầy cô đến cô lao công, chú bảo vệ,…
Một số trẻ có thói quen gật, lắc đầu hoặc trả lời trống không thì bố mẹ cũng phải luôn nhắc nhở để trẻ bỏ những hành động này. Quan trọng hơn hết, chính bố mẹ cũng phải là người thị phạm, làm gương, nói chuyện lịch sự, hòa nhã với mọi người để bé noi theo.
Biết tôn trọng ý kiến và cảm xúc của mọi người xung quanh
Từ khi còn nhỏ, bố mẹ nên dạy trẻ biết cách lắng nghe tích cực, tôn trọng cảm xúc, quan điểm của người khác. Trẻ có thể sẽ có ý kiến, quan điểm riêng nhưng chỉ nên góp ý, không được chỉ trích, chê bai hay cắt ngang lời người khác. Đây là kỹ năng ứng xử cho trẻ nên được dạy từ nhỏ để con có thói quen giao tiếp văn minh, nhân văn mãi sau này.
Nguồn : https://phunutoday.vn/cau-be-lop-7-bi-ban-danh-chi-cam-dien-thoai-nhan-1-dong-tin-phu-huynh-doc-xong-phai-ne-phuc-d334979.html