Nói “con hư tại mẹ” thì lại tự ái, con mình được dạy ngoan, tự giác mà cuối cùng lại quay ra mắng em gái, rồi ai dám giữ cho nữa.
Hè thì hay có chuyện gửi con sang nhà họ hàng, anh chị em nhờ trông, sẵn cho các cháu chơi với nhau. Nhưng nói chứ giữ con dùm người ta, dù là con của anh chị em ruột thịt, nhiều lúc cũng mệt mỏi, dễ rạn nứt tình cảm lắm ạ. Ngại nhất là chuyện con ai người ấy dạy, lỡ động vào là ôi thôi cạch mặt nhau luôn.
Nhiều khi mình thương cháu như con, muốn dạy cho cháu ngoan, nhưng cha mẹ nó thì nhảy đông đổng lên. Cho nên có nhận giữ cháu hay giữ dùm con ai thì các mẹ nhớ chú ý. Đừng như chị này, em thấy chị chia sẻ trên mạng mà cũng ngán dùm chị.
Trông con cho chị gái hết nửa tháng, nhận lại không phải lời cảm ơn mà là mắng nhiếc, hỏi tội. Mà chị này chỉ dạy trẻ cách sống tự lập, là tốt cho con chị gái, vậy mà còn bị trách không tiếc lời. Chứ lỡ đối xử không tốt chút chắc mang tiếng ác luôn quá.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: QQ
Chị Xuân (tên nhân vật đã được thay đổi) không đi làm, chỉ ở nhà chăm con. Chị có hai đứa con, con trai 8 tuổi, con gái 4 tuổi. Cách đây nửa tháng, chị gái mang con trai 10 tuổi đến nhờ giữ hộ. Không ngờ, lần này chị vô cùng hối hận vì nhận giữ con cho chị gái. Có thể là do cách dạy dỗ trẻ con quá khác nhau nên sinh ra hiểu lầm.
Chị Xuân thường không chiều chuộng con cái, ngược lại chị dạy trẻ sống tự lập. Chuyện gì tự làm được, chị sẽ để con tự làm. Với đứa cháu trai 10 tuổi, chị cũng đối xử như con mình. Chị yêu cầu cháu trai dậy lúc 7 giờ sáng, cháu bảo ở nhà 12 giờ mới dậy.
Chị nói cháu tự cất quần áo vào tủ thì cháu nói ở nhà mẹ cất cho. Chị để cháu tự giặt tất thì cháu nói thẳng con chưa bao giờ làm. Phân công cháu trai rửa bát thì nó nổi cáu “đó là chuyện của con gái, mẹ bảo con không cần làm mấy chuyện đó”.
Chị cạn lời với thằng cháu này, không chỉ lười mà hình như giáo dục ở nhà có vấn đề. Chị kiên nhẫn nói với cháu đã ở nhà dì là phải theo phép tắc ở đây. Trong nhà này ai cũng phải làm việc, không phân biệt trai gái, độ tuổi. Sau thời gian uốn nắn, cháu trai đã biết làm việc nhà, còn tự giặt quần áo.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sohu
Nửa tháng sau, chị gái đến đón cháu trai về. Thằng bé khoe ở nhà dì tự làm được rất nhiều thứ. Thay vì mẹ khen con thì gọi điện thoại giận dữ, trách mắng chị Xuân. Chị ấy hét lên trong điện thoại hỏi vì sao lại bắt con chị làm việc nhà. Chị bảo có ai làm dì như chị không, cháu đến chơi vài bữa mà khó khăn. Nói xong cúp cái rụp, chị Xuân không kịp giải thích.
Chị Xuân nhắn tin muốn giải thích với chị gái nhưng không ngờ chị gái chặn hết. Điều này làm chị Xuân bối rối, không biết mình đã làm gì sai. Giữ cháu, cơm nước chị lo hết, không tính một xu. Còn giúp chị dạy con làm việc nhà, sống tự lập. Đã không cảm kích mà còn quay lại trách ngược.
Em cũng từng chứng kiến cảnh mệt mỏi khi nhận giữ cháu. Cô hàng xóm cạnh nhà em nhận trông con cho em gái một thời gian. Con bé kén ăn lắm, chỉ ăn thịt thôi, cá thì không ăn. Hôm nào chị quên không nấu thịt là con bé bỏ ăn, gọi điện thoại nói với mẹ nó là con đói bụng. Vậy có phải là sinh ra hiểu lầm giữa hai chị em không.
Bởi ta nói, giữ con dùm người ta khó lắm chứ không phải dễ, dù là con cháu ruột thịt trong nhà. Riêng về khoản chị Xuân dạy cách sống tự lập cho cháu là đúng chứ không có gì sai. Sai là chị không hỏi ý kiến mẹ thằng bé, muốn dạy dỗ con ai thì cũng nên hỏi qua cha mẹ trước. Dù là chị em trong nhà thì cũng không thể muốn làm gì thì làm, dễ mích lòng lắm.
Đấy là chị Xuân thôi chứ nếu là em thì em xin từ chối giữ con chị gái luôn. Chứ giữ hộ mà bị trách móc thì mệt mỏi quá ạ. Cưng con quá thì thôi chị để con ở nhà tự giữ.
Nguồn : https://www.webtretho.com/p/giu-con-dum-chi-gai-nua-thang-di-nhan-lai-con-trut-gian-ai-muon-day-con-chi-lam-viec-nha