in

Con hỏi ‘nhà mình có nhiều tiền không’: 2 cách đáp lời của mẹ tạo nên cuộc đời khác biệt

Cách trả lời của bố mẹ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc đời con sau này.

Tiền bạc luôn là vấn đề hết sức khó nói, nhất là đối với trẻ em. Có rất nhiều bố mẹ vẫn thường băn khoăn, không biết liệu mình có nên dạy trẻ về giá trị của đồng tiền, cách sử dụng tiền,… khi còn nhỏ hay không. Nói về vấn đề này, có rất nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, một số thì cho rằng cho trẻ biết về tiền sớm sẽ hư sớm, trong khi đó, số còn lại phản bác với ý kiến dạy trẻ về tiền một cách đúng đắn sẽ giúp con sớm trưởng thành, giỏi giang và có cuộc đời tự lập, biết quản lý chi tiêu một cách hợp lý.

Em từng đọc câu chuyện về một cặp vợ chồng, do làm ăn thua lỗ nên không có đủ tiền chi trả sinh hoạt phí, hoàn cảnh lúc đó vô cùng khó khăn. Hết cách, bố mẹ đành phải mở hộp tiết kiệm của con trai 4 tuổi ra và phải ngạc nhiên khi phát hiện trong đó có một khoản tiền không hề nhỏ, đủ để giúp gia đình vượt qua  hoàn cảnh ngặt nghèo bấy giờ. Lúc này, cặp vợ chồng vô cùng ngạc nhiên, không ngờ nhờ thói quen tiết kiệm từng chút của con trai trong nhiều năm có thể giúp bố mẹ một “bàn thua trông thấy”.

Một đứa trẻ là con của một cặp đôi khác sau khi biết câu chuyện này, bất giác hỏi mẹ rằng: “Nhà mình có nhiều tiền không”. Người mẹ ban đầu khá lúng túng, không biết trả lời như thế nào, thấy thế, cậu con trai nói tiếp: “Nếu không có tiền, mẹ có thể đập heo đất với con”.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Thực tế khi đứng trước những câu hỏi về tiền bạc của con, nhiều bố mẹ vẫn vô cùng băn khoăn, không biết trả lời như thế nào cho hợp lý. Với câu hỏi nhà mình có bao nhiêu tiền, cách trả lời của bố mẹ sẽ tác động rất nhiều tới suy nghĩ, cách giác ngộ và sử dụng tài chính của con trong suốt cuộc đời.

Trả lời cách thực tế

Dựa vào thực tế hoàn cảnh gia đình, bố mẹ sẽ nói với con nhà mình có một số tiền, tuy không nói số cụ thể. Tuy nhiên, đây là tiền bố mẹ phải lao động vất vả, tiết kiệm hợp lý để lo cho cả gia đình và cho con ăn học, thế nên con sẽ không phải rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn. Thế nhưng, khi lớn lên con vẫn sẽ phải làm việc để kiếm ra tiền, tiếp tục lo cho gia đình như cách bố mẹ đang làm. Chỉ khi con dựa vào chính bản thân mình, làm việc chăm chỉ và tiêu xài, tiết kiệm hợp lý mới có được cuộc sống thoải mái, vững chắc nhất.

Cách nói thực tế này có thể giúp trẻ được giác ngộ về tiền bạc từ sớm, nhờ thế, con thấu hiểu được giá trị của đồng tiền và biết làm sao để tự lập, phấn đấu có được cuộc sống tốt đẹp mà không dựa dẫm vào bất cứ ai, kể cả bố mẹ.

Trả lời phóng đại

Khác với cách trả lời thực tế, nhiều bố mẹ lại có xu hướng “phóng đại” câu trả lời của mình lên, ví dụ như: “Nhà ta rất nghèo, ngày mai còn không biết phải ăn cái gì”, “Mẹ phải làm lụng rất vất vả nhưng vẫn thiếu thốn, mai sau con phải biết thắt lực buộc bụng mới mong cuộc sống khá hơn”,… hoặc ngược lại là “phóng đại” theo kiểu khoe khoang: “Nhà ta giàu lắm, con không cần phải lo”, “Mai sau con không cần làm gì, tiền bố mẹ đủ để nuôi con đến hết đời”,…

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sina

Dù phóng đại theo kiểu nào đi chăng nữa thì vẫn có thể gây ra nhiều tác động xấu đến suy nghĩ, tinh thần của đứa trẻ. Nếu mẹ than vãn quá nhiều về tiền bạc, con sẽ dễ bị ám ảnh tâm lý, nảy sinh cảm giác tự ti, thua kém người khác trong suốt cuộc đời về sau. Khi lớn lên, tâm lý này cũng không dễ để loại bỏ.

Ngược lại, khi phóng đại theo kiểu khoe khoang, nói quá, trẻ sẽ dễ hình thành tính cách ỷ lại, thích dựa dẫm vào bố mẹ, tiêu xài hoang phí không biết quý trọng đồng tiền. Do đó, khi con đặt vấn đề về tiền bạc, tốt nhất bố mẹ vẫn nên chia sẻ một cách chân thực, dễ hiểu nhưng thấu tình đạt lý với con. Đừng giấu giếm, phóng đại, cũng đừng than vãn quá nhiều mà hãy hướng dẫn trẻ hiểu về giá trị đồng tiền một cách hợp lý, chỉ khi ấy con mới có thể dần trưởng thành và có khả năng tự xây dựng cuộc sống vững chắc cho riêng mình.

Nguồn : https://www.webtretho.com/p/con-hoi-nha-minh-co-nhieu-tien-khong-2-cach-dap-loi-cua-me-tao-nen-cuoc-doi-khac-biet