in

Cấm chồng mang tiền về cho mẹ, nàng dâu sững sờ nhận tờ di chúc khi bố mẹ chồng qua đời

Tết đến, chồng muốn gửi tiền về quê để báo hiếu cho cha mẹ, cô vợ nhất quyết phản đối và ngỡ ngàng khi biết được mong muốn cuối đời của bố mẹ chồng.

Anh Hoàng và vợ là bạn cùng lớp từ thời đại học. Cô vợ là người gốc thành phố, còn anh sau khi tốt nghiệp cũng quyết định ở lại thành phố lập nghiệp. Vợ anh là con một trong một gia đình bình dân, gia cảnh cũng không mấy khá giả, cha mẹ vợ hiện giờ vẫn ở nhà thuê.

Thế nên, khi hai người kết hôn, bố mẹ vợ yêu cầu anh Hoàng phải mua được nhà ở thành phố mới đồng ý cho cưới. Tất nhiên, sinh viên mới tốt nghiệp như anh Hoàng không thể nào đủ khả năng để mua nhà. Vì vậy, anh Hoàng đành mở lời nhờ bố mẹ ở quê giúp đỡ.

Nghe anh Hoàng gọi điện bày tỏ, bố mẹ anh cũng muốn lên thành phố thăm con vài ngày. Trong chuyến thăm này, bố mẹ anh Hoàng sẵn tiện mua cho đôi vợ chồng sắp cưới một căn nhà nhỏ ở thành phố và đứng tên hai ông bà.

Bố mẹ bên vợ cuối cùng cũng đồng ý cho cưới mà không phải tốn bất kỳ khoản tiền sính lễ nào. Hai vợ chồng cuối cùng cũng có một lễ cưới trọn vẹn. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng sẽ định cư ở ngôi nhà mà bố mẹ anh Hoàng đã cho trước đó.

Bố mẹ anh Hoàng giờ đã về hưu, lương hưu một tháng 10.000 NDT (khoảng 35 triệu). Mức lương có thể đảm bảo cho hai ông bà cuộc sống đầy đủ ở quê mà không cần con cái phải chu cấp.

Phản đối chồng biếu tiền bố mẹ dịp Tết

Sau khi vợ anh Hoàng sinh con, bên nhà nội muốn Tết này hai vợ chồng về quê thăm ông bà. Một phần, vì sức khỏe ông bà nội đã yếu, một phần muốn sum vầy bên con cháu tuổi già.

Thế nhưng vì công việc bận, hai vợ chồng không có thời gian. Ông bà vì muốn có người chăm sóc, lau dọn nhà cửa đón Tết nên cũng đã thuê người giúp việc đỡ đần. Hai vợ chồng nghe vậy cũng yên tâm trong lòng.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, anh Hoàng vẫn luôn cảm thấy có lỗi và nghĩ đến việc bản thân nên mang tiền về cho mẹ, nhưng giờ không về được nên anh muốn gửi một ít về quê cho mẹ, để mẹ mua sắm đồ trong nhà đón Tết.

Khi anh Hoàng tâm sự với vợ, anh bất ngờ vì cô ấy quyết liệt phản đối: “Bố mẹ anh ở quê đầy đủ điều kiện, lại cho khả năng thuê người giúp việc, bố mẹ anh còn cần tiền anh gửi về nữa sao?”

Cuối cùng, hai vợ chồng cãi nhau. Anh giải thích với cô vợ: “Dù anh có gửi cho họ bao nhiêu tiền đi nữa cũng không đáng là bao. Cái chính là vì anh muốn bù đắp cho bố mẹ già đang cô đơn và hiu quạnh khi mấy ngày xuân không có con cái ở bên mà thôi!”.

Cuối cùng, anh Hoàng phải chịu thua trước sự quyết liệt của vợ. Cô con dâu cho rằng, bố mẹ chồng ở quê không thiếu thốn, vả lại không tiêu bao nhiêu tiền. Nhưng hai vợ chồng ở thành phố phải nuôi con nên áp lực nặng nề hơn. Đặc biệt là Tết đến, còn nhiều thứ phải chi.

Ảnh minh họa

Cứ thế, đã mấy cái Tết trôi qua rồi mà hai vợ chồng vẫn không chịu về. Anh Hoàng sau bao năm đi làm cũng ổn định, dư dả chút ít.

Năm vừa rồi bố anh qua đời. Anh Hoàng muốn về ăn tết cùng mẹ và lo hương khói cho bố, nhưng vợ kiên quyết ngăn cản. Vợ anh phân bua: “Đang trong lúc quan trọng, anh mà về thì lỡ mất cơ hội thăng tiến, để năm sau về với mẹ cũng không muộn”. Anh Hoàng cũng chỉ biết im lặng cho qua.

Tuy nhiên, 1 năm sau khi bố mất thì mẹ anh Hoàng cũng qua đời. Anh Hoàng về chịu tang mẹ mà cảm thấy vô cùng hổ thẹn và đau lòng, anh cảm thấy bản thân là một người con bất hiếu.

Di chúc bố mẹ chồng để lại khiến con dâu sững sờ

Hai vợ chồng lâu lắm mới có dịp dẫn con về quê. Nhìn ngôi nhà sạch sẽ, tất cả đều do một tay người giúp việc chăm sóc hương khói ông bà, lau dọn nhà cửa.

Khi người giúp việc nhận ra hai vợ chồng, bà đã đưa ra di chúc mà bố mẹ anh Hoàng để lại. Lúc này, cô vợ mới choáng váng. Cô không ngờ căn nhà ở quê và căn nhà ở thành phố mà hai vợ chồng đang ở do ông bà đứng tên, sẽ được để lại cho người giúp việc một phần, phần còn lại mang đi từ thiện.

Người giúp việc biết thế nào hai vợ chồng cũng phản ứng, liền lắc đầu: “Bố mẹ của anh chị ngày nào cũng mong hai người có thể về quê thăm ông bà. Ngay cả khi ốm nặng cũng chỉ biết nhớ mà thôi. Hai ông bà đã thất vọng và đau lòng đến nhường nào. Cuối cùng vì mất niềm tin vào các con, nên đã ủy quyền tài sản cho tôi một phần còn lại mang đi gửi quỹ từ thiện!”

Ảnh minh họa

Vợ anh Hoàng như muốn phát điên, không chấp nhận sự thật. Bây giờ, anh Hoàng chỉ biết hối hận nhưng mọi chuyện đã muộn. Về phần người giúp việc, bà ấy không muốn hai vợ chồng ở căn nhà trên thành phố nữa mà muốn cho thuê, vì vậy bà yêu cầu hai vợ chồng phải dọn ra thuê nhà khác.

Cha mẹ già đôi lúc không cần tiền mà chỉ cần sự chăm sóc, hỏi han, của con cái. Với bố mẹ có lương hưu đều đặn, họ chưa chắc dùng tiền của con gửi về, mà họ sẽ cất để dành cho con cháu sau này.

Đối với mỗi người con, “tiền” gửi về cho cha mẹ ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa đen, mà đó còn là sự báo hiếu, quan tâm cuộc sống của cha mẹ, đồng thời là kết quả của những đồng tiền lương thiện mà đứa con đã có thể tự kiếm được, là minh chứng cho sự trưởng thành của con cái đã có đủ khả năng gánh vác gia đình để cha mẹ yên tâm an hưởng tuổi già.

(Theo NetEase)