Kể từ khi bố chồng dọn đến, cô con dâu để ý thấy ông chưa một lần sử dụng toilet ở nhà mà luôn đi bộ ra đầu ngõ để dùng nhà vệ sinh công cộng.
Vợ chồng chị Lưu anh Vương lập nghiệp ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã 4 năm nay, cả hai vợ chồng đều đi làm ở công ty lớn. Kể từ khi kết hôn, hai vợ chồng dọn tới sống cùng nhau trong một căn nhà tiện nghi, chưa có con cái nên đời sống kinh tế rất thoải mái.
Tới giữa năm nay, mẹ chồng chị Lưu bất ngờ qua đời, bỏ lại bố chồng một mình lủi thủi ở quê nhà. Anh Vương chồng chị vốn là con một, thấy cảnh cha già cô đơn, sức khỏe lại dần suy giảm thì vô cùng lo lắng. Sau khi bàn bạc với nhau, vợ chồng anh đã quyết định thu xếp về quê đón ông lên sống cùng gia đình cho yên tâm.
Vốn là người hiền lành, lịch sự lại sống chan hòa, ông Vương rất được lòng con trai và con dâu. Ông thường khen những món ăn con dâu làm khiến cô cảm thấy vô cùng vui vẻ, hết lòng chăm sóc ông.
Thế nhưng có một điều khó hiểu là suốt 1 tuần kể từ khi bố chồng dọn tới nhà, chị Lưu để ý thấy ông chưa bao giờ sử dụng toilet ở nhà mà luôn đi bộ ra đầu ngõ để dùng nhà vệ sinh công cộng.
Chị Lưu đem chuyện này kể với chồng thì nhận được câu trả lời: “Bố không sao đâu mà, em đừng lo nghĩ quá. Có lẽ bố thích đi bộ tập thể dục nên tiện thôi.”
Vốn là người kỹ tính, chị Lưu không dễ gì tin câu nói của chồng mà vẫn tiếp tục trăn trở. Vì vấn đề nhạy cảm nên chị cũng không tiện hỏi thẳng bố chồng.
Lý do đáng buồn đằng sau hành động lạ
Cho tới dạo gần đây, khi dọn dẹp phòng ngủ của ông Vương, chị Lưu tình cờ tìm thấy một cuốn sổ trong tủ đầu giường của ông. Hóa ra từ ngày mẹ chồng cô qua đời, bố chồng vẫn giữ thói quen viết nhật ký như bức thư gửi vợ để trút bớt đi nỗi cô đơn.
Trong cuốn nhật ký, ông cụ giãi bày: “Lúc đến đây các con đón tiếp tôi rất tốt, nhưng cuộc sống thành phố thật khác xa ở quê bà ạ. Đến nhà vệ sinh cũng hiện đại quá, tôi thì lạc hậu, không biết phải dùng thế nào. Xấu hổ chẳng dám nói, sợ con dâu chê cười.”
Đọc tới đây, cô con dâu bỗng thấy cay cay ở mắt!
Hóa ra ở quê hàng chục năm nay chỉ có bệt xí xổm, bố chồng chị lên đây thấy chiếc bồn cầu thông minh nên không biết dùng, lại xấu hổ không dám hỏi các con. Chị Lưu tự cảm thấy hổ thẹn và thương bố vô cùng, hóa ra bố chồng đã phải chịu cảnh khó xử suốt thời gian qua mà chẳng thể tâm sự cùng ai.
Chị kể hết mọi chuyện cho chồng, anh Vương sau đó cũng cảm thấy mình thật vô tâm, không chịu để ý tới bố.
Ngày hôm sau, anh giả bộ chỉnh sửa chiếc bồn cầu ở nhà rồi gọi cả nhà vào hướng dẫn cách sử dụng một lần nữa. Anh cũng không quên nhấn mạnh với vợ là những thứ đồ công nghệ bây giờ rất phức tạp nên người trẻ đôi khi còn chẳng biết dùng.
Ông Vương như hiểu được ý con trai và con dâu mình, ông cụ cũng tỏ ra phấn khởi vì có được hai người con vô cùng có hiếu.
Tâm lý người cao tuổi
Khi con cháu bận rộn với cuộc sống, người cao tuổi thường cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị lãng quên và cô đơn nên luôn muốn được những người xung quanh hỏi han quan tâm.
Đa số người cao tuổi vẫn còn sức khỏe, có thể giúp con cháu một vài việc vặt trong nhà hoặc tự chăm sóc cho bản thân nên các cụ sẽ không muốn ngồi yên một chỗ rồi dựa dẫm vào người khác. Chỉ một thái độ hay một câu nói thiếu tế nhị cũng có thể làm các cụ tủi thân, cho rằng mình già rồi nên vô dụng và bị con cháu coi thường.
Khi chăm sóc các cụ già, con cháu cần đặc biệt chú ý tâm lý của họ để tránh tạo ra suy nghĩ tiêu cực cho người cao tuổi. Hãy dành sự kiên nhẫn và cư xử tinh tế với người cao tuổi, để các ông bà được tận hưởng những năm tháng tuổi già an yên!
Nguồn : https://phapluat.suckhoedoisong.vn/bo-chong-khong-bao-gio-di-ve-sinh-o-nha-con-dau-don-phong-cho-ong-ho-then-khi-hieu-ly-do-162210112200029997.htm